Hiến
máu cứu người là một nghĩa cử cao đẹp, thể hiện truyền thống “Tương thân thương
ái, thương người như thể thương thân” của dân tộc ta, là hành động giúp đỡ những
người bệnh đang cần những giọt máu quý giá để duy trì sự sống.
Tại buổi gặp mặt 100 người hiến máu
tiêu biểu năm 2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: “Khoa
học, công nghệ ngày hôm nay chưa đủ khả năng để tạo ra máu, nhưng tình người có
thể giúp những người đang cần máu. Trái tim con người không chỉ ủ dòng máu nóng
hổi, mà còn nồng ấm tình nhân ái, sự sẻ chia, cảm thông sâu sắc. Máu là vô giá.
Một giọt máu cũng quý, cũng cần được trân trọng. Hiến máu không chỉ là một
thuật ngữ y tế, mà còn là một nghĩa cử cao đẹp, thể hiện lòng nhân ái và trách
nhiệm đối với xã hội, với cộng đồng gieo thêm những hạt giống tình người trong
cuộc sống và tô đẹp thêm truyền thống tương thân, thương ái của dân tộc Việt
Nam. Hoạt động hiến máu tình nguyện vừa là trách nhiệm, vừa là bổn phận, vừa là
“mệnh lệnh” từ trái tim của mỗi người. Hiến máu
là nuôi dưỡng sự sống, thắp sáng niềm hy vọng, thắp sáng ước mơ, thắp sáng
những điều tốt đẹp trong cộng đồng, trong xã hội.”.
Với tinh thần đó, tinh
thần “Nhân ái tặng máu đào - Ngọt ngào trao sự sống” và thực hiện kế hoạch
số 01/KH-BCĐ ngày 07 tháng 10 năm 2024 của Ban chỉ đạo vận động hiến máu tình
nguyện huyện Hải Hậu; kế hoạch số 661/PGD ĐT ngày 09 tháng 10 năm 2024 của
Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hải Hậu. Ngày 27 tháng 10 năm 2024 giáo viên trường
THCS Hải Lý lại hồ hởi tham gia hiến máu với 10 đồng chí giáo viên - cao nhất
trong số các trường THCS trên địa bàn. Trong đó, nhiều thầy cô đã tham gia hiến
máu tình nguyện nhiều lần như thầy Phạm Văn Dương (11 lần); thầy Nguyễn Công
Thùy (10 lần); cô Hoàng Thu Trang (4 lần); cô Nguyễn Thị Thơm và Trần Thị Huyền
(2 lần)…
Ảnh 1: Tập thể giáo viên trường THCS
Hải Lý tham gia hiến máu tình nguyện
Nghĩa cử cao đẹp ấy của
các thầy cô đã được duy trì và lan tỏa đến những người xung quanh, thôi thúc những
giáo viên trẻ của nhà trường cũng tích cực hưởng ứng phong trào như cô Nguyễn
Thị Nhật Lệ, thầy Hoàng Minh Hiếu lần đầu tham gia hiến máu tình nguyện với rất
nhiều cảm xúc. Cô Lệ chia sẻ: “Lần đầu hiến máu tôi đã rất lo lắng. Nhưng tôi rất vui vì hiến thành công và máu sẽ được sử
dụng hiệu quả cho bệnh nhân. Mong họ khỏe mạnh và bản thân mình sẽ tiếp tục lan
tỏa niềm vui, làm được nhiều điều công ích cho cuộc đời…”
Ảnh 2: Niềm vui của giáo viên trẻ - lần đầu tham
gia hiến máu
Với
các thầy cô, hạnh phúc khi được sẻ chia, khi biết mình đã làm một điều có ích
cho cộng đồng; khi biết rằng, đâu đó trên đất nước này, trên thế gian này, dòng
máu của mình đã, đang và sẽ được hoà chung trong một, giúp các bệnh nhân khi họ
đang cần. Với những ý nghĩa đó, hiến máu nhân đạo còn hơn cả một nghĩa cử cao đẹp.
Ảnh 3, 4: Các thầy cô
giáo trường THCS Hải Lý tham gia hiến máu tình nguyện
Phong
trào hiến máu tình nguyện chính thức được phát động tại Việt Nam ngày
24/1/1994. Sau 30 năm triển khai cho thấy đây là một phong trào có giá trị và ý
nghĩa nhân văn rất lớn, giúp hàng triệu người bệnh được cấp cứu kịp thời, được
kéo dài sự sống… Trong 30 năm qua, toàn quốc đã tiếp nhận
hơn 21,3 triệu đơn vị máu; có hàng chục nghìn cá nhân hiến máu tình nguyện tiêu
biểu hơn 30, 50 lần thậm chí hơn 100 lần; đã có hàng nghìn gia đình mà hầu hết
các thành viên cùng hiến máu và tham gia vận động hiến máu tình nguyện; nhiều
cơ quan, trường học, doanh nghiệp và địa phương thường xuyên tổ chức ngày hiến
máu. Hoạt động hiến máu tình nguyện cũng tô thắm
thêm truyền thống tương thân, tương ái, mang đậm tình yêu thương, nghĩa đồng
bào của dân tộc Việt Nam.
Trên địa
bàn huyện Hải Hậu, phong trào hiến máu tình nguyện ngày càng lan
tỏa và thu hút sự quan tâm của toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao
động. Mỗi người đều nhận thức được tinh thần nhân văn, nghĩa cử cao đẹp của việc
hiến máu cứu người. Qua đó, thấy rõ trách nhiệm, quyền lợi và nghĩa vụ của mình
đối với công tác hiến máu tình nguyện; từ đó tình nguyện tham gia hiến máu, tiến
tới từng bước xã hội hóa công tác hiến máu tình nguyện. Vì hiến
máu không chỉ cứu người mà còn mang lại lợi ích cho sức khỏe người hiến máu.
Khoa học chứng minh, hiến máu nhiều lần làm giảm nguy cơ ứ đọng sắt, giảm thiểu
bệnh tim mạch. Hiến máu làm cho tinh thần sảng khoái hơn, ăn ngủ ngon hơn. Máu
trong cơ thể của bạn cho đi sẽ được tái tạo nhanh sau 3 đến 5 ngày, máu mới do
cơ thể sinh ra được trẻ hóa, có sức đề kháng chống bệnh tật. Như vậy hiến máu
làm cho cơ thể chúng ta khỏe mạnh hơn và cũng là cách để chúng ta kiểm tra giám
sát sức khỏe của mình được tốt hơn.
Các đối tượng hiến
máu: Nam đủ tuổi đời từ 18 tuổi - 60 tuổi cân nặng 45 kg trở lên; Nữ đủ tuổi
đời từ 18 tuổi - 55 tuổi cân nặng 42 kg trở lên; cam kết hiến máu tình nguyện;
thời gian hiến máu mỗi lần cách nhau ít nhất 3 tháng; tình trạng sức khỏe tốt./.
Tin bài: Thầy Nguyễn Thế Hiển -
Chủ tịch Công đoàn trường THCS Hải Lý - Hải Hậu - Nam Định.